Sân bay và du lịch: Luẩn quẩn chờ nhau

Posted: Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013 by Unknown in Nhãn:
0


Lượng khách du lịch đến địa phương thấp vì chưa có đường bay quốc tế. Ngược lại các hãng hàng không trong và ngoài nước chưa dám mở đường bay quốc tế vì sợ lỗ. Bài toán luẩn quẩn này đang đè nặng lên phát triển du lịch của không ít địa phương.


Đọc E-paper








Sân bay Đà Nẵng
Đà Nẵng "bạo tay"


Bà Phạm Thị Dung, một Việt kiều sống tại bang Ohio (Mỹ) vừa trở về thăm quê với sự lựa chọn hai chuyến bay thẳng kết nối trực tiếp giữa Washington - Seoul và Seoul - Đà Nẵng. Đối với một người đã 77 tuổi, có thể về tận quê với chặng đường tối giản, ít phải chờ đợi mệt mỏi vì nối chuyến như vậy là điều tuyệt vời.


Trước đây những người đi Bắc Mỹ từ miền Trung đều phải chuyển tiếp bằng các chuyến bay nội địa đến hai đầu Hà Nội hoặc TP.HCM. Nay, tình hình đã thay đổi khi trong năm 2013, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã liên tục là điểm đến của các đường bay quốc tế Hồng Kông, Siem Reap (Campuchia), Incheon (Hàn Quốc) do các hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác.


Hiện tại, Đà Nẵng có 23 đường bay quốc tế đến các nước trong khu vực, với 3.400 chuyến bay xuất nhập cảnh trong 9 tháng đầu năm 2013. Đến thời điểm này, Đà Nẵng đón 1,54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 169 ngàn lượt người đến bằng đường hàng không, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2012.


Đó là những con số rất thú vị nếu biết rằng cách đây 5 năm , người ta phải chứng kiến những đường bay mở ra, duy trì 1-2 năm, rồi lại khép lại vì lỗ.


Đến mức đã có những thời điểm quá bức xúc, các doanh nghiệp lữ hành tại Đà nẵng phải tự mở lối, gom khách và thuê bao máy bay đưa khách đi về giữa Đà Nẵng với Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc để hỗ trợ cho các hãng hàng không làm quen với điểm đến mới, và lữ hành quốc tế đến khảo sát thị trường du lịch miền Trung.


Cuối tháng 3/2013, Dragonair (Công ty trực thuộc Cathay Pacific) đã khai trương đường bay Hồng Kông - Đà Nẵng. Giám đốc Điều hành Dragonair, ông Patrick Yeung, đánh giá:


"Đà Nẵng là điểm đến thứ 2 của Dragonair tại Việt Nam. Trong quá trình khảo sát, tôi rất tin tưởng khi nhận thấy tốc độ đầu tư hạ tầng ở Đà Nẵng tỏ ra vượt trội nhất khu vực miền Trung, và với tiềm năng thiên nhiên và di sản văn hóa trong khu vực gồm Huế, Hội An, các hang động nổi tiếng Quảng Bình, nơi đây sẽ là thị trường sôi động. Tôi tin là đường bay Đà Nẵng - Hồng Kông nhất định duy trì được".


Sau Dragonair, Vietnam Airline đã mở cùng lúc 2 đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Seoul, Đà Nẵng - Siêm Riệp vào đầu tháng 8 vừa qua. Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách trong năm 2013.


Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang ráo riết xúc tiến việc mở đường bay trực tiếp nối với các thịtrường Thái Lan, Nhật Bản và Nga, với sự nỗ lực mở thị trường mới của các công ty lữ hành.


Chờ khách và khách chờ


Theo Cục Hàng không dân dụng, về mặt kỹ thuật, từ sân bay Phú Bài (Huế) có thể nối đường bay sang Lào và vùng Đông Bắc Á; sân bay Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ nối với toàn bộ Asean và Đông Bắc Á. Trong mấy năm qua, các sân bay này đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, đủ sức đón từ 3 - 4 triệu lượt khách/năm.


Nhưng thực tế, các sân bay quốc tế này vẫn luẩn quẩn với bài toán lượng khách du lịch đến địa phương thấp vì chưa có đường bay quốc tế. Và ngược lại các hãng hàng không trong và ngoài nước đều thận trọng chưa dám mở đường bay quốc tế vì sợ lỗ. Chỉ riêng sân bay Cam Ranh là duy trì đường bay đến Nga.


Thực tế là con số du khách, và việc đi lại của khách công vụ đến các điểm nói trên không đủ thuyết phục người lạc quan nhất, bởi khó khăn hôm nay của các cảng hàng không quốc tế nói trên tương tự như chuyện xảy ra với Đà Nẵng cách đây 10 năm.


Thực trạng đó là do hạ tầng du lịch các địa phương chưa hoàn chỉnh, chưa có lượng khách lớn, các nhà đầu tư còn ở giai đoạn thăm dò.


Đại diện của một hãng hàng không Nga chuyên đưa khách đến sân bay Cam Ranh, cho biết, đã khảo sát thị trường Phú Quốc theo yêu cầu của nhiều công ty lữ hành Nga, nhưng số lượng khách sạn ở đây còn quá ít, không đáp ứng yêu cầu nếu mở đường bay.


Ở các vùng này, doanh nghiệp du lịch lữ hành chưa "xắn tay" cùng với chính quyền xúc tiến việc mở đường bay bằng hành động tìm khách cho hàng không như doanh nghiệp Đà Nẵng.


Mới đây, tại cuộc họp với đại diện các sân bay quốc tế ở các khu vực này, Cục Hàng không dân dụng đã đưa ra rất nhiều điều kiện ưu đãi thuyết phục mở đường bay quốc tế đến khu vực địa phương.


Cục khẳng định đang tạo nhiều điều kiện khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay quốc tế đến các cảng này, như: Không hạn chế về vận tải cung ứng đối với thương quyền 3, 4 (chở hành khách, hàng hóa, thư tín từ Việt Nam đi các nước hoặc ngược lại); cho phép khai thác thương quyền 5 (chở hành khách từ nước thứ hai đến nước thứ ba); có thể áp dụng thương quyền 7 (vận chuyển giữa hai nước hoàn toàn ở ngoài nước của nhà khai thác, ví dụ Hãng hàng không Trung Quốc được bay chặng TP.HCM - Bangkok).


Như vậy, cánh cửa hàng không quốc tế đã hé mở, một cơ hội lớn không chỉ đến với các doanh nghiệp lữ hành, nó mở toang cửa cho các ngành xuất nhập khẩu nông sản. Các địa phương nên tham chiếu đường đi của Đà Nẵng, không thể cứ mãi ngồi yên chờ các hãng hàng không quốc tế tìm đến.

0 nhận xét: